LOADING...

 

World Bank: Thị trường tín chỉ carbon ở TP.HCM trị giá 790 triệu USD

11/05/2024

Các dự án điện gió, điện mặt trời, điện rác, nhà máy lọc nước, lắp đặt bếp củi hiệu suất cao... đều là những dự án có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon.

Các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon. Trong ảnh: Công nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon. Trong ảnh: Công nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại chương trình Cà phê doanh nhân HUBA với chủ đề “Tín chỉ carbon: Ai bán – Ai mua” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 11-5, các chuyên gia, cơ quan chức năng đã cùng phân tích tiềm năng của các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon ở Việt Nam.

Nhiều dự án đăng ký tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện

TS Nguyễn Phương Nam – chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hiệp Quốc – cho biết thị trường tín chỉ carbon tự nguyện quy mô nhỏ, chỉ khoảng 2 tỉ USD nhưng thời gian qua phát triển nhanh. 

Hiện Việt Nam đã có mua bán tín chỉ carbon qua thị trường tự nguyện. Với thị trường này, tín chỉ carbon có thời hạn, không thể đợi đến 100 USD mới bán, mà khi sắp hết thời hạn, giá chỉ 3 USD cũng phải bán.

Dẫn số liệu từ cơ chế thẩm định Verra, ông Nam cho hay tại Việt Nam có 43 dự án đã đăng ký tham gia thị trường tín chỉ carbon theo thị trường Verra, song chưa có thông tin về việc dự án đã có tín chỉ hay chưa. 

Trong số đó, các dự án điển hình là nhà máy lọc nước ở Đồng bằng sông Cửu Long hồi năm 2022 (giảm 1,2 triệu tấn CO2 tương đương/năm, tương đương 1,2 triệu tín chỉ) hoặc dự án lắp đặt bếp củi hiệu suất cao hồi năm 2023 (giảm 0,6 triệu tấn CO2 tương đương/năm)…

“Đây chỉ là đăng ký, còn thẩm định một dự án tạo ra được tín chỉ carbon hay không cần phải mất một năm để xét đã làm bao nhiêu, đã dùng bao nhiêu, ra được bao nhiêu tín chỉ”, ông Nam giải thích thêm.

Còn đối với thị trường theo tiêu chuẩn vàng (Gold Standards, sáng lập bởi WWF và một số tổ chức phi chính phủ), ông Nam cho hay Việt Nam cũng đã có 71 dự án nằm trong danh sách đăng ký tạo tín chỉ carbon, trong đó có 24 dự án được đưa vào danh sách, 20 dự án được chứng nhận thiết kế và 27 dự án đã được chứng nhận và có thể đã có tín chỉ carbon.

Trong đó, một số dự án điển hình như điện gió Ea Nam có thể tạo ra 1,1 triệu tín chỉ/năm, điện gió Lợi Hải có thể tạo ra 0,8 triệu tín chỉ/năm…

4.000 dự án đăng ký, chỉ mới 400 dự án xong khâu thiết kế

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Phương Nam cho biết để tạo ra tín chỉ carbon theo thị trường tự nguyện, việc đầu tiên là doanh nghiệp phải đăng ký dự án với tổ chức thẩm định như Verra hoặc Gold Standards. 

Theo thống kê của Verra, hiện có 4.000 dự án đăng ký, song từ bước đăng ký đến tạo ra tín chỉ carbon cần có thời gian và nhiều chi phí thẩm định. Do đó hiện chỉ có khoảng 400 dự án xong khâu thiết kế, nhưng có tạo được tín chỉ carbon hay không lại không dễ.

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng trong tương lai, các dự án năng lượng tái tạo, điện sinh khối… đã hoàn thành hoặc sắp xây dựng cũng đều có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (I-REC).

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thanh – phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) – cho hay nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy quy mô thị trường tín chỉ carbon của TP.HCM tương đối lớn, có giá trị lên đến 790 triệu USD. 

Trong đó, các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon như dự án trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà, dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, dự án nâng cấp đèn LED hay dự án nâng cấp xe máy điện…

TP.HCM có 157 cơ sở phải kiểm kê phát thải

Ông Cao Tung Sơn – trưởng phòng khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) – cho hay dự kiến số lượng các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2023 và năm 2024 (phải thực hiện và nộp trước ngày 31-3-2025) tại TP.HCM là 157 cơ sở và TP.HCM đang hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở.

Theo ông Sơn, hành lang pháp lý trong quản lý thị trường carbon đang ở bước dự thảo. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, sàn giao dịch carbon trong nước vẫn đang được các bộ ban ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện.

Do đó, ông Sơn tin tưởng việc quản lý phát thải khí nhà kính thông qua thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ chính thức triển khai trong tương lai không xa.

HÃY CÙNG LÀM VIỆCE-Tech Solutions