Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thanh toán tiền điện cho Công ty Trung Nam khi huy động nguồn điện mặt trời tại dự án ở Ninh Thuận là do chưa đầy đủ các giấy phép về hoạt động điện lực.
Mới đây, Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam – chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam và đường dây truyền tải 500kV Thuận Nam – đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi tới Chính phủ.
Lý do là công ty này đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện khi EVN là đơn mua điện đã chậm thanh toán toàn bộ phần sản lượng điện đã được Trung Nam phát lên lưới và ghi nhận vào hệ thống điện.
Dự án đầu tư ở ba xã, cấp phép hoạt động chỉ một xã
Cụ thể, đối với phần công suất 172/450MW của nhà máy đã phát điện lên lưới từ ngày 1-10-2020 đến ngày 31-8-2022, EVN ghi nhận sản lượng khoảng hơn 687 triệu kWh (tương đương 813,6 tỉ đồng được tạm xác định theo khung giá điện của các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp).
Tuy nhiên, từ tháng 10-2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc địa bàn xã Phước Minh. Theo đó, tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của Tuổi trẻ Online, việc EVN chưa thanh toán đối với một phần sản lượng điện đã được ghi nhận trên lưới là do dự án này chưa có đầy đủ giấy tờ về hoạt động điện lực đối với toàn bộ diện tích đã được xây dựng và đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Cụ thể, một phần dự án điện mặt trời Trung Nam là một trong những dự án nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh được chỉ ra là chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Trong đó, dự án điện mặt trời Trung Nam được cấp phép hoạt động điện lực tại xã Phước Minh, nhưng chủ đầu tư là Công ty Trung Nam lại xây dựng mở rộng thêm ở các xã khác là Nhị Hà và Phước Ninh (thuộc huyện Thuận Nam – Ninh Thuận).
Vì vậy trong giấy phép hoạt động điện lực hiện chỉ ghi nhận với phần công suất được đầu tư ở xã Phước Minh.
Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo, EVN đã huy động toàn bộ sản lượng điện tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam.
Việc thanh toán tiền điện được thực hiện trên nguyên tắc ghi nhận sản lượng và tạm thanh toán đối với các nhà máy theo khung giá được Bộ Công Thương phê duyệt đối với các dự án điện mặt trời chuyển tiếp.
Đồng thời, dự án này phải chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương về việc hoàn thiện các giấy phép hoạt động điện lực, cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Vì vậy, để giảm thiệt hại và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, EVN đã huy động toàn bộ sản lượng điện lên lưới.
Nguyên tắc ký hợp đồng mua bán điện và thanh toán với các dự án này là với những phần công suất đã hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ được thanh toán đầy đủ.
Với phần công suất chưa đầy đủ pháp lý, nhưng đã được huy động và ghi nhận sản lượng điện, sẽ được ‘tạm tính’ để thực hiện quyết toán sau.
Tránh rủi ro pháp lý, sẽ tạm tính tiền điện và quyết toán sau
Theo một đại diện ngành điện, việc áp dụng nguyên tắc này là chung cho tất cả các dự án năng lượng tái tạo đang có vướng mắc về pháp lý, chứ không riêng dự án Trung Nam.
Trong trường hợp không huy động, sẽ gây lãng phí nguồn điện năng lượng tái tạo và chủ đầu tư bị thiệt hại lớn hơn nhiều so với việc ghi nhận sản lượng và tạm tính.
Một chuyên gia về năng lượng tái tạo cho rằng, những vướng mắc pháp lý của dự án điện mặt trời Trung Nam cũng như nhiều dự án khác được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch điện, cần phải có sự tháo gỡ từ Chính phủ và Bộ Công Thương.
Cũng bởi đây là vấn đề không thuộc thẩm quyền của EVN. Vì vậy, việc tập đoàn này thực hiện đúng quy định về mua bán điện, thanh toán trên phần công suất đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý, ghi nhận sản lượng và tạm tính để quyết toán sau khi có hướng dẫn đầy đủ từ các cơ quan chức năng, sẽ tránh cho các bên gặp phải những rủi ro về mặt pháp lý sau này.
“Nếu tách ra ghi nhận sản lượng điện cho một phần dự án theo đúng giấy phép đã được cấp thì sẽ càng khó cho chủ đầu tư, lãng phí và thiệt hại rất lớn.
Nên việc EVN vẫn huy động toàn bộ nguồn điện lên lưới, thực hiện nguyên tắc tạm tính sẽ tránh rủi ro sau này. Tiền điện của nhà đầu tư chưa nhận vẫn còn đó chứ không mất đi, nên vấn đề hiện nay là các bộ ngành liên quan cần sớm tháo gỡ vướng mắc pháp lý” – chuyên gia này kiến nghị.