LOADING...

 

Sếp EVN: Tập đoàn lỗ thêm 13.000 tỉ đồng nửa đầu năm

04/08/2024

Lãnh đạo EVN chỉ ra khó khăn của tập đoàn khi vận hành theo cơ chế "đặc biệt": đầu vào theo giá thị trường, nhưng đầu ra Nhà nước quản lý.

Chiều 16-7, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn – tổng giám đốc Tập đoàn EVN – cho biết trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện dù thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt.

Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc thời gian này đạt 151,73 tỉ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2023, vượt kịch bản đề ra.

Ông Tuấn kể, cuối năm ngoái, EVN lập kế hoạch cung ứng điện với kịch bản tăng trưởng 8%. Sau đó Bộ Công Thương duyệt kịch bản 9,18%. Tuy nhiên thực tế tăng tới 12,4%.

Về công tác vận hành, lãnh đạo EVN cho biết từ cuối năm 2023, nhiều nhà máy thủy điện không chạy để giữ nước đảm bảo cao điểm. “Năm ngoái đã hạn hán rồi, năm nay còn khó khăn hơn. Năm nay tỉ lệ nước về các hồ chỉ đạt 80% so với cùng kỳ 2023”, ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - tổng giám đốc EVN

Ông Nguyễn Anh Tuấn – tổng giám đốc EVN

Đến cuối tháng 5 vừa qua, hệ thống mới bắt đầu chạy các nhà máy thủy điện để đảm bảo cao điểm mùa khô.

Dù việc đảm bảo an ninh năng lượng dựa trên sự vận hành của nhiệt điện với giá thành cao, tuy nhiên ông Tuấn cho biết chi phí mua điện vẫn giảm 2.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đề cập bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm nay, ông Tuấn tiết lộ con số âm tài chính khoảng 13.000 tỉ đồng, giảm so với mức cùng kỳ (âm 15.000 – 16.000 tỉ đồng).

Cho hay đã tối ưu mọi công tác vận hành, lãnh đạo EVN vẫn nhấn mạnh bài toán cân đối tài chính hết sức nan giải với EVN. Sau 2 năm lỗ liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay lỗ 13.000 tỉ đồng. “Cuối năm nay lợi nhuận sẽ dương, rút giảm số lỗ xuống, nhưng vẫn sẽ lỗ”, lãnh đạo EVN thông tin.

Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn khẳng định gần như tất cả chi phí đều được tiết kiệm ở mức tối đa.

“82% chi phí giá thành EVN là chi phí mua điện. Giá thành mua điện năm nay tiết kiệm được 2.000 tỉ đồng. Còn lại 18% để tối ưu hóa hệ thống của EVN. Nhưng với 18% này, kể cả tiết kiệm, tối ưu cũng không có cách gì để bù đắp được các chi phí”, ông Tuấn nêu sự khó khăn tập đoàn đang đối mặt.

Lãnh đạo EVN cũng chỉ ra khó khăn khi tập đoàn vận hành theo cơ chế rất “đặc biệt” khi đầu vào theo giá thị trường, nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý.

Trước đó, EVN đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 với số lỗ sau thuế hơn 26.770 tỉ đồng, tăng 29% so với mức lỗ 20.747 tỉ đồng năm trước.

Trên bảng cân đối kế toán, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2023 của tập đoàn này lên tới 41.824 tỉ đồng (hơn 1,6 tỉ USD), gấp hơn 3 lần mức cuối năm trước.

Vì sao mức lỗ EVN sẽ giảm dần khi hết năm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Anh Tuấn – tổng giám đốc Tập đoàn EVN – cho biết con số âm 13.000 tỉ đồng là số liệu từ báo cáo sơ kết 6 tháng của tập đoàn.

Cuối năm, sau kiểm toán mới có con số chính thức về lợi nhuận của tập đoàn.

Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, ông Tuấn kỳ vọng sẽ giảm thiểu số lỗ nêu trên về còn khoảng 10.000 tỉ đồng vì vận hành được thủy điện, giảm chi phí mua điện.

“Tập đoàn có khả năng huy động nguồn điện giá rẻ vào những tháng cuối năm, nhờ vậy tối ưu hóa chi phí”, ông Tuấn nói.

HÃY CÙNG LÀM VIỆCE-Tech Solutions