Các nguồn điện gió sẽ được ưu tiên phát triển trong khi nguồn điện mặt trời chỉ tập trung vào các dự án tự sản tự tiêu và sau năm 2030 mới xem xét phát triển tiếp.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) sau 10 tháng quy hoạch này được ban hành.
Tập trung nguồn điện gió, năng lượng mới
Với kế hoạch này, danh mục các dự án nguồn điện đã được “hé lộ”, đặc biệt là các dự án điện tái tạo vốn được nhiều nhà đầu tư mong chờ trong suốt thời gian qua. Bởi kể từ khi các cơ chế ưu đãi về điện mặt trời, điện gió hết hiệu lực, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo bị “đình trệ”, các nhà đầu tư có tâm lý chờ chính sách mới để tránh rủi ro.
Theo đó, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đến năm 2030 được phê duyệt dựa trên căn cứ báo cáo của 46/63 địa phương đã báo cáo danh mục dự án tới Bộ Công Thương. Trên cơ sở này, bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt danh mục các dự án cho từng loại hình nguồn điện.
Cụ thể, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; điện gió trên bờ là 21.880 MW; thủy điện là 29.346 MW; điện sinh khối là 1.088 MW; điện rác là 1.182 MW; điện mặt trời mái nhà (tự sản tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW.
Ngoài ra, dự kiến phát triển 300 MW các nguồn điện linh hoạt. Ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.
Theo kế hoạch, nguồn điện năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới sẽ gồm những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam.
Quy mô xuất khẩu từ 5.000 MW đến 10.000 MW khi có các dự án khả thi, chủ yếu là nguồn điện gió ngoài khơi.
Năng lượng tái tạo cũng sẽ được sử dụng để sản xuất các loại năng lượng mới (như hydro xanh, amoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bộ Công Thương báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định với từng dự án cụ thể khi đã cơ bản đánh giá được tính khả thi về công nghệ và giá thành.
Dự án ở tỉnh nào có tổng nguồn lớn nhất?
Theo danh mục phân bổ công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo được phê duyệt, tổng công suất điện gió ngoài khơi được phê duyệt chủ yếu phát triển ở Bắc Bộ (2.500 MW), Trung Trung Bộ (500 MW), Nam Trung Bộ (2.000 MW), Nam Bộ (1.000 MW); công suất nguồn điện gió trên bờ phát triển nhiều nhất ở Bắc Bộ là 3.816 MW; Tây Nguyên là 4.101 MW, Nam Bộ là 6.800 MW…
Xét theo các tỉnh, Lạng Sơn là địa phương có nhiều dự án điện gió trên bờ nhất với 1.444 MW, Đắk Lắk là 870 MW, Bạc Liêu 741 MW, Trà Vinh 872,5 MW, Ninh Thuận 553,7 MW, Cà Mau 900 MW…
Địa phương có nhiều dự án thủy điện nhỏ nhất là Lai Châu với tổng công suất 1.056,85 MW, Kon Tum với 358,5 MW, Quảng Ngãi 210,4 MW. Yên Bái cũng là địa phương vừa có nhiều thủy điện nhỏ với 274,1 MW và nhiều dự án điện sinh khối với tổng công suất 108 MW.
Với điện rác, các địa phương có nhiều dự án nhất là Đồng Nai (tổng công suất 66 MW), Hải Phòng (40 MW), Bắc Ninh (36,7 MW), Bà Rịa – Vũng Tàu (30 MW).
Với các dự án điện mặt trời sẽ xem xét sau năm 2030 khi đã triển khai 2.600 MW điện mặt trời theo hình thức tự sản tự tiêu. Bao gồm 27 dự án với tổng công suất là 4.136,25 MW tại các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai, Ninh Thuận, Nghệ An, Huế, Tây Ninh…