Dự báo nhu cầu điện tăng cao và để không phải cắt điện luân phiên, EVN dự kiến sẽ mượn và huy động hàng nghìn máy phát điện của khách hàng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt gần 70 tỉ kWh, cao hơn 1,35 tỉ kWh so với kế hoạch và tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Để đáp ứng nhu cầu điện, EVN đã huy động tối đa nguồn điện than, khí, vượt kế hoạch 1,98 tỉ kWh, giữ nước cho hồ thủy điện với sản lượng tương đương là 11,3 tỉ kWh, cao hơn 1,5 tỉ kWh.
Sẵn sàng 2 kịch bản cung ứng điện
Dự báo kinh tế sẽ từng bước phục hồi, nền nhiệt độ tăng cả ba miền, nên EVN đã cập nhật kế hoạch cung ứng điện, đặc biệt là các tháng cao điểm mùa khô.
Trong đó phương án cơ sở được đưa ra với sản lượng điện toàn hệ thống là 310,6 tỉ kWh, tăng 10,4% so với năm trước, cao hơn 4,2 tỉ kWh.
Với phương án cao khi nhu cầu điện tăng trưởng đột biến, sản lượng toàn hệ thống sẽ là 313,4 tỉ kWh, tăng 11,4% so với năm, cao hơn phương án cơ sở 2,8 tỉ kWh.
EVN cho hay cân đối khả năng cung ứng điện các tháng cuối năm 2024 cơ bản đảm bảo.
Tuy vậy miền Bắc có dự phòng nguồn điện rất thấp, tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra đồng thời các yếu tố bất lợi như lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiệt điện than gặp sự cố hoặc suy giảm công suất…
Do đó tập đoàn này đã đề ra các giải pháp như lập phương thức, điều hành hệ thống điện, xây dựng các kịch bản cung ứng điện.
Cập nhật các yếu tố sản xuất, nhu cầu phụ tải, diễn biến thủy văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện.
Huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc, điều tiết nước các hồ thủy điện ở mức tối đa…
Cùng đó là việc đảm bảo cung ứng than, tăng cung cấp khí LNG cho nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3.
Huy động chạy dầu, tăng nhập khẩu
Việc huy động các nguồn diesel mượn của khách hàng cũng được EVN tính đến để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong tình huống khẩn cấp.
Qua làm việc với khách hàng, miền Bắc có khoảng 2.718 máy phát điện diesel dự phòng có thể huy động được, với tổng công suất là 3.066MVA sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện.
Ngoài ra EVN cũng đã đàm phán để tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc lên 1,8 tỉ kWh, tăng gần 700 triệu kWh so với kế hoạch; tiếp tục đàm phán với đối tác Lào tăng nhập khẩu điện về Việt Nam, đặc biệt là các nguồn điện nhập từ Lào qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị.
EVN cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh các dự án nguồn và lưới điện.
Trong đó hoàn thành dự án thủy điện Ialy mở rộng dự kiến vào cuối năm 2024, nhà máy thủy điện Hòa Bình vào năm 2025, nhiệt điện Quảng Trạch vào năm 2026; cuối năm 2024 khởi công nhiều dự án thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái…
EVN cũng tập trung nguồn lực hoàn thành các đường dây truyền tải điện, điển hình là đường dây 500kV mạch 3 Quản Trạch – Phố Nối; hoàn thành các công trình lưới điện để tăng nhập khẩu điện từ Lào.
Cùng đó là các giải pháp điều chỉnh phụ tải, tiết kiệm điện khi 5 tổng công ty điện lực đã ký cam kết tiết kiệm điện với 882.167 khách hàng với sản lượng cam kết là 2 tỉ kWh.