Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II (SEACEF II) do Clime Capital quản lý đã rót khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD cho một doanh nghiệp Việt.
Ngày 9-7, Clime Capital – công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Singapore – chuyên thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp và Nami Distributed Energy (Nami) công bố khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD, từ Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II (SEACEF II).
Khoản đầu tư này nhằm thúc đẩy Nami (công ty năng lượng sạch chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo về năng lượng phân tán) tăng trưởng nhanh và gia tăng tác động tích cực đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Việc đầu tư diễn ra cùng lúc Việt Nam vừa ban hành nghị định 80 quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA). Nghị định mang lại cơ hội to lớn để các doanh nghiệp tiếp cận năng lượng tái tạo với chi phí hiệu quả, ở cả loại hình điện phân tán sử dụng đường dây trực tiếp và điện tái tạo nối lưới.
Với khoản đầu tư này, Nami có vị thế thuận lợi phát huy nền tảng vững mạnh về nhân sự, chuyên môn và danh mục dự án tiềm năng để cung cấp các giải pháp năng lượng mặt trời mái nhà và giải pháp năng lượng tại chỗ, với quy mô lớn hơn cho khách hàng thương mại và công nghiệp trên toàn quốc.
Ông Lưu Hoàng Hà – chủ tịch Nami – cho biết các giải pháp năng lượng mặt trời và tại chỗ của công ty như pin lưu trữ và tiết kiệm điện giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn điện có chi phí thấp hơn và bền vững mà không cần vốn đầu tư và chi phí vận hành. Công ty đang nhanh chóng mở rộng danh mục dự án tiềm năng với các khách hàng lớn và triển khai lắp đặt trên toàn quốc.
“Khoản đầu tư này và danh mục dự án phong phú đang mở rộng nhanh chóng, tạo vị thế hoàn hảo cho Nami ở vòng gọi vốn tiếp theo và tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Clime Capital và các đối tác để tạo ra nhiều tác động tích cực hơn nữa cho khách hàng và môi trường”, ông Hà nói.
Ông Mason Wallick – giám đốc điều hành Clime Capital – cho hay khoản đầu tư quan trọng này tạo ra lợi ích kép, vừa phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo cạnh tranh, vừa thúc đẩy tiến trình trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.