LOADING...

 

Lo mỗi nơi một thủ tục lắp điện mặt trời mái nhà, VCCI đề nghị thống nhất

05/03/2024

Góp ý cho dự thảo nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần thống nhất thủ tục để tránh nhiêu khê, tiêu cực.

Điện mặt trời nhà dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điện mặt trời nhà dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, đối với thủ tục đăng ký điện mặt trời mái nhà không liên kết với điện lưới quốc gia nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký với UBND cấp tỉnh.

VCCI cho hay theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, quy định này là không cần thiết. Bởi đây thường là những trường hợp lắp các tấm pin mặt trời nhỏ nhằm phục vụ một số thiết bị điện không cần vận hành liên tục như máy bơm hoặc có thiết bị lưu trữ điện đi kèm.

Trong cùng tòa nhà có được mua bán điện mặt trời áp mái hay không?

Loại hình này cũng không gây bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an toàn lưới điện, không bị giới hạn về tổng công suất. Vì vậy, theo VCCI, không cần Nhà nước phải quản lý bằng một thủ tục hành chính về điện lực.

Đối với các thủ tục quản lý khác liên quan tới an toàn công trình xây dựng hay phòng cháy chữa cháy đã có các thủ tục tương ứng. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ theo hướng điện mặt trời mái nhà không liên kết với điện lưới quốc gia không cần làm thủ tục đăng ký.

Ngoài ra, VCCI cũng dẫn ra một số trường hợp doanh nghiệp đặt câu hỏi: Với việc mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà thì có thuộc diện áp dụng không?

Tức là điện năng chỉ được truyền tải giữa các cá nhân, tổ chức trong tòa nhà mà không qua đường dây của công ty điện lực.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc cho phép mua bán điện giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng một tòa nhà như vậy sẽ có thêm nguồn điện, giúp cân bằng phụ tải tốt hơn do hạn chế được lượng điện dư, nên cần được khuyến khích.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà giữa các khách hàng mà không truyền tải qua lưới điện quốc gia.

Cũng theo dự thảo, điện mặt trời mái nhà liên kết với điện lưới quốc gia bị giới hạn công suất 2.600MW. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng chỉ trường hợp điện mặt trời mái nhà có phát lên lưới mới bị giới hạn bởi tổng công suất 2.600MW, thay vì là toàn bộ nguồn điện “có liên kết với lưới điện”.

Thống nhất thủ tục để không nhũng nhiễu, tiêu cực

Về điều kiện chấp thuận, cấp phép, dự thảo quy định người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép tới UBND cấp tỉnh khi lắp đặt. Tuy vậy, VCCI cho rằng thủ tục này chưa có quy định rõ trường hợp nào sẽ được chấp thuận, trường hợp nào không, có thể gây ra sự tùy tiện trong thực thi, dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

VCCI cũng dẫn chứng phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó, các thủ tục về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường đều chưa thực sự rõ ràng, áp dụng khác nhau tại địa phương.

Đơn cử như thủ tục xây dựng, có địa phương coi điện mặt trời mái nhà là công trình xây dựng, nhưng có nơi coi đây là thiết bị lắp thêm. Hay với thủ tục phòng cháy chữa cháy, có nơi không hỏi ý kiến Sở Công Thương, có nơi cơ quan phòng cháy chữa cháy chủ động hỏi Sở Công Thương, nhưng có nơi lại yêu cầu doanh nghiệp phải đi hỏi Sở Công Thương.

Từ ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về việc phải có quy định rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất các thủ tục hành chính, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung việc rà soát các quy định liên quan đến lắp đặt điện mặt trời mái nhà để sửa đổi tại nghị định này, đảm bảo tính đồng nhất trong thực hiện.

HÃY CÙNG LÀM VIỆCE-Tech Solutions