Nhiều lãnh đạo tập đoàn năng lượng nhà nước cho biết đã có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đưa ra các kiến nghị về chính sách phát triển năng lượng mới.
Ngày 3-3, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện này.
Ông Đặng Hoàng An, chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết sau 69 năm phát triển, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á. Mặc dù vậy, EVN thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 cũng có nhiều khó khăn, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tháng 5 đầu tháng 6.
Chủ động phương án để cung ứng điện
Tình trạng thiếu điện dù chỉ 2-3 ngày tại miền Bắc nhưng theo ông An, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. “Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới” – ông An nói.
Vì vậy, để đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống, ông An nói EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỉ kWh (tăng 26 tỉ kWh so với năm 2023).
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện với khối lượng đầu tư 102.000 tỉ đồng (tăng 11.000 tỉ đồng so với năm 2023). Đặc biệt là việc dồn sức thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519km, tổng mức đầu tư 23.000 tỉ đồng, đóng điện trước 30-6-2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Chủ tịch EVN cũng bày tỏ sẽ phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, việc làm của người lao động, nâng cao năng suất lao động, chống tham nhũng tiêu cực, tăng trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ông Lê Mạnh Hùng, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), thì cho hay trong bối cảnh khó khăn nhưng tập đoàn vẫn hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đạt nhiều kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách.
Doanh nghiệp bắt nhịp với xu hướng chuyển dịch năng lượng mới
Đặc biệt, nhiều dự án, khó khăn vướng mắc lớn trong nhiều năm đã được giải quyết, như nhiệt điện Thái Bình 2, chuỗi dự án điện khí Lô – Ô Môn, hoặc từng bước giải quyết như liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn…
Năm 2024, ông Hùng cho hay PVN sẽ tập trung vào tái cơ cấu đồng bộ tối ưu mô hình hiện đại, kiểm soát rủi ro; chú trọng phát triển nhân lực, quản trị tài năng, nâng tầm văn hóa, ứng dụng công nghệ mới, gắn với xu hướng chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh; quản trị hiệu quả…
Trong lĩnh vực xăng dầu, ông Phạm Văn Thanh – chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng nâng cao chất lượng của các đầu mối, nâng điều kiện làm thương nhân phân phối; quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng.
Đối với xăng dầu dự trữ quốc gia, Petrolimex tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh lại mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với thực tế, vì phí dự trữ quốc gia hiện nay ban hành từ năm 2003.
Đồng thời cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch. Bao gồm quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô; chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện mặt trời áp mái, tự sản, tự tiêu…