Để tiết kiệm điện đi vào thực chất cần phải có biện pháp mạnh cũng như xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường để tạo tính cạnh tranh.
Ngày 15-5, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống”.
Theo ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác.
Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam gấp 2-3 lần các nước khác
Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.
Do đó, ông Lâm cho rằng đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian tới, khi cung ứng điện đang gặp nhiều thách thức.
Ông Hà Đăng Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, đặt ra câu hỏi: “Phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó?”.
So sánh với việc Chính phủ áp dụng nghị định 100 về cấm rượu bia, xử phạt rất nghiêm khắc đã giúp người dân tuân thủ và dần tạo nên thói quen, ông Sơn cho rằng việc tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng, thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục.
Trên thực tế, hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã có từ lâu, hơn 20 năm qua. Do đó, ông cho rằng nhận thức cộng đồng về tiết kiệm điện đã đủ chín để có thể đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc.
Cần có điều chỉnh giá điện
Thêm nữa, giá điện hiện nay đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác, nên việc cải cách giá điện để bám sát theo cơ chế thị trường, tránh tình trạng EVN báo lỗ, trong khi người dùng điện thì lãng phí. Vì vậy, ông Sơn cho rằng cần phải có biện pháp điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm một cách thực chất, hiệu quả.
TS Trần Đình Thiên – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng việc sử dụng tiêu tốn năng lượng đặt ra yêu cầu chúng ta phải thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển, để các nguồn tài nguyên không bị lãng phí.
“Cần tạo ra văn hóa tiêu dùng điện tiết kiệm thành phong trào và phải tự giác, gắn với lợi ích người sử dụng” – ông cũng đề nghị có chế tài mạnh và sớm thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, mang tính cạnh tranh, gắn với giá điện hai thành phần.
Theo ông Lâm, EVN đã có nhiều giải pháp như tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này chưa đủ nên EVN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn, tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện.
Trong đó gồm hiện đại hóa hệ thống đo đếm, vận hành hệ thống điện như 92% công tơ điện tử, điều chỉnh hành vi sử dụng điện, chuyển đổi số. Khách hàng sử dụng điện có thể tương tác, xem sản lượng điện, so sánh với các năm trước để điều chỉnh hành vi. Với doanh nghiệp là chương trình sử dụng tiết kiệm, quản lý và điều chỉnh nhu cầu điện…
Ông Trịnh Quốc Vũ – phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) – cho biết đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng nhằm hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng.