Thời gian qua, dự thảo nghị định phát triển điện mặt trời áp mái của Bộ Công Thương giới hạn tổng công suất lắp đặt và quy định điện mặt trời dư thừa phát lên lưới với giá 0 đồng đã thu hút nhiều quan tâm.
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, có thể tính toán thêm đến các giải pháp khác để tận dụng hết nguồn điện mặt trời áp mái, tránh lãng phí mà vẫn hài hòa lợi ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà đầu tư (doanh nghiệp, hộ gia đình).
Mua điện mặt trời áp mái có phụ phí điều độ hoặc hoán đổi chỉ số?
Liên quan nội dung dự thảo của Bộ Công Thương, quy định phát điện dư lên lưới với giá 0 đồng, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-5, lãnh đạo một tập đoàn năng lượng phía Nam cho rằng bên mua điện là EVN hoàn toàn có thể tính toán, mua hỗ trợ cho nhà đầu tư với giá 50% giá hiện nay để nhà đầu tư bù chi phí sản xuất, tạo sự công bằng bởi nguồn điện mặt trời sau khi được tiếp nhận sẽ dùng để bán lại.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ không phát điện dư lên lưới khi không được trả tiền bởi khi vận hành cơ chế này sẽ giảm tuổi thọ thiết bị, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới (Zero Export).
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp khác thừa nhận khi đưa điện mặt trời lên lưới nhiều sẽ ảnh hưởng đến điều độ hệ thống điện, gây áp lực cho EVN khi phải đầu tư hệ thống truyền tải.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho rằng giá 0 đồng không thể hiện bản chất của thị trường khi nguồn điện đó lại được dùng để bán lại. Do đó, cần có chính sách để EVN mua lại với mức giá phù hợp và tùy vào khả năng của đường truyền tại mỗi khu vực để hình thành thị trường.
“EVN hoàn toàn có thể thu phí điều độ đối với các dự án điện ở quy mô vừa phải. Điều này sẽ giúp minh bạch thị trường, làm rõ các chi phí của các bên trong thị trường, tận dụng nguồn điện dư thừa thay vì mua với giá 0 đồng”, vị này nói.
Ông Trần Văn Hoa – giám đốc doanh nghiệp điện mặt trời – cho rằng hoàn toàn có thể nghiên cứu cơ chế bù trừ, trong đó quy định một tỉ lệ nhất định điện mặt trời phát lên lưới sẽ được giảm bao nhiêu số điện mua từ EVN.
Ví dụ quy định một hộ gia đình không được lắp nguồn điện mặt trời quá công suất tiêu thụ cực đại, sau đó quy đổi 2-5 kWh điện mặt trời lên lưới thành 1 kWh mua điện từ EVN. Như vậy vừa khuyến khích người dân lắp điện mặt trời nhưng vẫn khống chế công suất lắp đặt.
Ông Bùi Văn Thịnh – chủ tịch Hiệp hội Điện gió, mặt trời tỉnh Bình Thuận – cũng cho rằng nên khuyến khích đầu tư điện mặt trời bằng việc nếu có công suất dư thừa, EVN có thể mua lại với một mức giá hợp lý. Ví dụ nếu bán cho người dân 8 cent/kWh, EVN có thể mua điện mặt trời dư thừa với giá 2-3 cent/kWh.
“Bán được dù mức giá rất thấp nhưng cũng là hạch toán có đầu vào đầu ra, mang tính khuyến khích hơn”, ông Thịnh nói.
Cần có cơ chế để lắp hệ thống lưu trữ điện
Bộ Công Thương cho rằng khi điện mặt trời đấu nối với hệ thống điện quốc gia, hoạt động của hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống điện quốc gia do điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và thời tiết; khi không có bức xạ mặt trời hoặc ban đêm, các thiết bị phải dùng điện quốc gia, dẫn đến thay đổi tăng giảm nhanh của hệ thống điện.
Trong trường hợp điện mặt trời không liên kết với lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương cho rằng các tổ chức và người dân phải tự cân đối nguồn – tải tại chỗ. Đồng thời khuyến khích kết hợp điện mặt trời áp mái với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay hiện Luật Điện lực, văn bản pháp luật của Chính phủ chưa có quy định việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái kết hợp hệ thống lưu trữ điện.
Cho rằng lưu trữ năng lượng là giải pháp quan trọng trong phát triển điện mặt trời, ông Samresh Kumar – chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP SkyX Solar – đề xuất cần có các quy định rõ ràng để các doanh nghiệp lắp lưu trữ điện. Theo ông Samresh Kumar, để lắp đặt hệ thống lưu trữ rất đơn giản, song về mặt quy định pháp luật hiện tại vẫn chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp còn chần chừ trong việc triển khai.
Tương tự, ông Phạm Đăng An – phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group – cho rằng hệ thống lưu trữ sẽ giúp nâng cao tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.
Theo ông An, hệ thống lưu trữ sẽ góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm áp lực cho lưới điện, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Do đó, ông An cho rằng nếu có các chính sách cơ chế khuyến khích phù hợp, chẳng hạn như có cơ chế mua bán hoặc bù trừ điện năng cho hệ thống lưu trữ để có thể huy động điện trong các giờ cao điểm hoặc ban đêm, đây sẽ là một động lực để khuyến khích việc đầu tư trang bị thiết bị lưu trữ năng lượng cho hệ thống.
Tự sản tự tiêu kiểu san sẻ được không?
Theo dự thảo nghị định, nguồn điện mặt trời áp mái nối lưới không chỉ bị giới hạn công suất và chỉ được ghi nhận với giá 0 đồng mà người dân, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống này sẽ không được bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác.
Với nguồn điện áp mái không nối lưới sẽ phát triển không giới hạn công suất, nên được khuyến khích lắp đặt thêm hệ thống lưu trữ điện. Tuy nhiên, cả hai nguồn điện này đều sẽ không được phép bán điện cho tổ chức, cá nhân khác mà chỉ để phục vụ nhu cầu tự dùng, đúng bản chất “tự sản tự tiêu”.
Tuy vậy, tổng giám đốc một doanh nghiệp điện mặt trời tại TP.HCM cho biết dự thảo nghị định chưa có hướng dẫn đối với các doanh nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán trực tiếp cho tổ chức ở phía dưới.
Theo vị này, không phải doanh nghiệp, tổ chức nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để tự đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Do đó, việc để cho các công ty chuyên nghiệp thuê lại áp mái xưởng để lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho chính nhà xưởng bên dưới là phù hợp với nhu cầu thị trường, bản chất loại hình này không khác gì hình thức tự sản tự tiêu.
“Để cho các công ty chuyên nghiệp lắp đặt, vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho doanh nghiệp bên dưới giúp các doanh nghiệp sản xuất dễ dàng sử dụng năng lượng tái tạo, dễ dàng đạt được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư FDI và góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện”, vị này khẳng định.
Trong khi đó, dự thảo đề xuất cần ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện áp mái tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Theo các chuyên gia, việc xin ngân sách để lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách trong khi thủ tục và quy trình đầu tư thường sẽ kéo dài rất lâu. Do đó, cần có cơ chế cho phép các doanh nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và bán lại cho các cơ quan hành chính với mức giá thấp hơn, khoảng 30 – 50% giá điện bán lẻ.
Bộ Công Thương giải thích
Giải thích rõ hơn về những vấn đề đã nêu, Bộ Công Thương cho hay Nhà nước muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời áp mái để đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái tác động lên hệ thống điện quốc gia nếu phát triển ồ ạt ở quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến cân bằng cung cầu hệ thống điện và gây ra những phí tổn không cần thiết.
Khi điện mặt trời áp mái suy giảm hoặc về 0 (tùy thuộc vào thời tiết) thì phải mua điện từ lưới điện quốc gia nếu như không có phương pháp dự trữ điện. Ngược lại, khi phát với công suất cao mà dẫn tới dư thừa sẽ phải cắt giảm công suất phát điện. Việc này nếu xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến cắt giảm nguồn điện tái tạo xảy ra thường xuyên, làm tăng chi phí vận hành hệ thống điện và lãng phí nguồn lực xã hội.
Một vấn đề khác cũng được Bộ Công Thương chỉ ra, đó là “nỗi lo về chi phí chung của hệ thống”. Bởi đơn vị điều độ sẽ phải duy trì một lượng nguồn điện truyền thống vận hành ở trạng thái chờ hoặc công suất thấp liên tục trong các giờ có điện mặt trời áp mái. Do đó phải trả chi phí cho các nguồn điện duy trì ở trạng thái này thay vì trả cho điện năng phát ra.
Từ 15-5, giá điện điều chỉnh 3 tháng/lần
Theo quyết định số 5/2024 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ thực hiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng/lần áp dụng từ ngày 15-5. Cụ thể, nếu giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Ông Nguyễn Thế Hữu – phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) – cho hay việc điều chỉnh giá điện theo chu kỳ 3 tháng/lần nhằm giảm thiểu tác động đến khách hàng dùng điện, các chi phí không bị dồn tích quá nhiều gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN cũng như thích ứng với biến động đầu vào.
Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng không có nghĩa cứ 3 tháng lại thay đổi giá điện một lần mà còn tùy thuộc vào việc đánh giá tác động đến kinh tế vĩ mô, kết quả tính toán cập nhật các chi phí sản xuất đã đủ định mức để được xem xét điều chỉnh hay chưa.
Các nước áp dụng ra sao?
Có thể bán theo các điều kiện khác nhau
Một số bang tại Úc đã áp dụng chính sách Feed-in Tariff (FiT). Các hộ gia đình áp dụng chính sách trên có thể bán phần điện mặt trời áp mái dư thừa cho các lưới điện, giá cả và điều kiện thực hiện có thể khác nhau tùy theo từng nhà bán lẻ điện.
Trong khi đó tại Mỹ những năm gần đây, người dân ở hầu hết các bang đều nhận được một phần lợi nhuận từ việc bán phần điện áp mái dư thừa của họ vào lưới điện. Quy định này áp dụng tại hầu hết các tiểu bang và được biết đến với tên gọi cơ chế bù trừ điện năng (net-metering).
Theo Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ (SEIA), cơ chế trên sẽ khác nhau theo từng tiểu bang, các công ty điện lực có thể tự nguyện đề xuất các chính sách hoặc được thông qua bởi cơ quan chức năng.
Sự khác biệt này thể hiện ở các quy định về phần trăm lợi nhuận mà một hộ gia đình sẽ nhận được hay các khoản ưu đãi nếu có. Điều này sẽ được quyết định thông qua hoạt động bỏ phiếu tại mỗi tiểu bang.
Theo quy định về năng lượng tái tạo năm 2024, Nhật Bản cũng xây dựng chính sách FiT, cho phép các hộ gia đình hoặc các nhà sản xuất năng lượng mặt trời bán phần điện không sử dụng cho các công ty điện lực với mức giá cố định trong thời hạn quy định theo hợp đồng, thông thường là 20 năm.
Theo cơ chế này, các hộ gia đình sẽ được quyết định lượng điện tiêu dùng và lượng điện sẽ bán cho các công ty điện lực.
Có thể san sẻ
Ngoài những quy định cụ thể của từng quốc gia, chuyên gia Kartik Menon – người có kinh nghiệm điều hành một công ty năng lượng mặt trời tại Úc – cho biết một cách đơn giản hơn mà các chủ nhà thường lựa chọn để xử lý tình trạng dư thừa điện áp mái là thực hiện các giao dịch năng lượng P2P (Peer-to-peer) tại khu vực sống của mình.
Thay vì bán lượng điện không sử dụng lên lưới điện hay cho các công ty tư nhân, chủ nhà có thể bán trực tiếp điện áp mái dư thừa cho hàng xóm hoặc các hộ gia đình trong khu vực. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu cần phải có cáp vật lý, trạm biến áp hoặc các cơ sở hạ tầng khác thuộc sở hữu của một công ty điện lực hay lưới điện thành phố, theo tạp chí Business Insider.
Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng dịch vụ của bên thứ ba để mua và bán trực tiếp điện từ các gia đình sử dụng điện áp mái trong khu vực của mình. Hình thức chia sẻ năng lượng này giúp tối ưu hóa chi phí cho tất cả đối tượng tham gia mua bán. Chi phí sản xuất thấp, kết hợp với khoảng cách ngắn khiến nó trở thành một lựa chọn hiệu quả và nhanh chóng để xử lý phần điện áp mái dư thừa.
Năm 2019, Đại học College London và Đại học EIA ở Colombia đã thí điểm một dự án cho các giao dịch năng lượng P2P tại thành phố Medellin (Colombia) có tên là Sáng kiến Colombia về năng lượng chuyển đổi.
Tại Medellin, nhiều người sống trong các chung cư cao tầng không thể lắp đặt hệ thống điện áp mái. Sáng kiến trên khuyến khích những người này mua điện từ các hộ gia đình lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời xung quanh.
Các chuyên gia nhận định sáng kiến Colombia về năng lượng chuyển đổi đã góp phần giải quyết những vấn đề tồn đọng về năng lượng tái tạo tại các đô thị lớn và tạo ra một cộng đồng nơi mọi người tham gia đều có lợi.
Còn theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), giao dịch năng lượng P2P giúp năng lượng tái tạo dễ tiếp cận hơn, tạo điều kiện cho người mua và người bán sử dụng linh hoạt và hiệu quả các nguồn năng lượng của họ.