LOADING...

 

Không chỉ điện gió và mặt trời, điện rác, điện sinh khối cũng sẽ mua bán trực tiếp?

05/08/2024

Ngày 7-6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà – Ảnh: VGP

Thông tin về dự thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay chỉ những dự án năng lượng tái tạo (điện gió hoặc mặt trời) với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mới trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Tuy nhiên khi vận hành trơn tru, có thể tiếp tục xem xét, bỏ giới hạn hoặc giới hạn công suất thấp hơn.

Được mua điện sạch trực tiếp với giá thị trường

Với khách hàng sử dụng điện lớn được mua điện tái tạo sẽ là khách hàng sử dụng 500.000 kWh/tháng trở lên. Việc lựa chọn ngưỡng này để hài hòa lợi ích các bên.

Ông Trần Việt Hòa, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho hay điểm đột phá của cơ chế này là trước đây khách hàng chỉ mua điện được qua tổng công ty điện lực, thì nay sẽ được mua trực tiếp từ thị trường điện với giá thị trường.

Giữa khách hàng và đơn vị phát điện sẽ ký hợp đồng để đảm bảo tránh rủi ro, căn cứ tham khảo giá thị trường điện và thỏa thuận hai bên.

Nêu ý kiến kết luận, Phó thủ tướng cho rằng quy định cần phải làm rõ chủ thể khách hàng lớn; làm rõ chủ thể “khu công nghiệp” nếu là đại diện được ủy quyền mua bán điện trực tiếp.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ hơn việc mở rộng phạm vi của dự thảo với các nguồn điện sinh khối, điện rác chứ không chỉ là điện gió và mặt trời.

Với các hình thức mua bán điện, ông Hà cho rằng cần khuyến khích việc mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và cần có quy định quản lý hình thức này để bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả, tránh các hệ lụy, như cháy nổ, ảnh hưởng cảnh quan…

Cần xây dựng và công bố công khai về các chi phí (đảm bảo tính đúng, tính đủ) khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3), sử dụng hạ tầng, phí tổn thất để người mua, người bán cân nhắc lựa chọn.

Tính toán giá điện hợp lý, làm rõ trách nhiệm các bên

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần phải có giải pháp để đảm bảo sự công bằng giữa các khách hàng, như tính toán giá điện hai thành phần.

Ví dụ, trong trường hợp giá điện khi không có mặt trời, lại vào giờ cao điểm thì phải khác vào thời điểm có nắng to; hay mức giá đối với đơn vị sản xuất năng lượng tái tạo có thiết bị, pin lưu trữ điện khác với đơn vị không có tích trữ điện năng.

Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm các bên, gồm người mua, người bán, bên cung cấp dịch vụ hạ tầng, EVN và cơ quan nhà nước. Trong đó, EVN cần có trách nhiệm bảo đảm việc truyền tải lên hệ thống điện được an toàn và không ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện, bảo đảm cân đối giữa các nguồn điện.

Bên cạnh đó, phải tính toán kỹ việc tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất các nguồn điện sẽ gia tăng để điều chỉnh. Cập nhật kịp thời quy hoạch điện; tránh tình trạng cung – cầu lệch nhau, như cung nhiều quá mà cầu ít quá, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước, nhà đầu tư.

Quy hoạch phải đi trước một bước, không để ảnh hưởng đến sự phát triển năng lượng tái tạo khi bị bó buộc trong “tấm áo chật”, trong xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Có chính sách khuyến khích việc đầu tư vào khâu tích điện trong phát triển năng lượng tái tạo.

HÃY CÙNG LÀM VIỆCE-Tech Solutions