LOADING...

 

EVN được nới thẩm quyền tăng giá điện

16/03/2024

Thẩm quyền điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nới rộng hơn lên tới 5%, với chu kỳ 3 tháng/lần.

Cơ chế điều chỉnh giá điện mới có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành - Ảnh: HÀ QUÂN

Cơ chế điều chỉnh giá điện mới có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành – Ảnh: HÀ QUÂN

Tờ trình được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đưa ra có nhiều điểm mới, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.

Kế thừa nhiều quy định của quyết định 24/2017, song dự thảo mới sẽ sửa đổi, bổ sung một số định nghĩa để phản ánh việc mua bán điện trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh có nhiều người mua, người bán.

Sửa công thức xác định giá, nguyên tắc điều chỉnh giá

Ngoài phạm vi điều chỉnh tăng giá trong biên độ 5%, EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Đây là điểm mới so với trước, khi quyết định 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3% đến 5%. Các mức tăng giá khác do các cấp trên quyết định và điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, ở cơ chế lần này, sau khi các cấp (gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ) quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.

Công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân được giữ nguyên, nhưng có điều chỉnh về phương pháp, giải thích từ ngữ để làm rõ, phù hợp hơn.

Đơn cử, quy định về tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, sẽ bao gồm cả chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ vào giá thành sản xuất kinh doanh điện do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định hằng năm. Đây là khoản chi phí được phép tính nhưng chưa được tính vào giá bán lẻ điện.

Đáng chú ý, trong công thức tính giá, các khái niệm liên quan tới “lợi nhuận định mức” trong cơ cấu giá thành sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể, công thức tính giá không đưa khái niệm “lợi nhuận định mức” ở một số khâu trong phương pháp lập giá điện. Ví dụ như tổng chi phí mua điện và lợi nhuận định mức từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, bao gồm cả chi phí chạy thử nghiệm của các nhà máy điện, chi phí mua dịch vụ truyền tải điện và lợi nhuận định mức; dịch vụ phân phối, bán lẻ điện và lợi nhuận định mức…

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo, tổng chi phí mua điện và lợi nhuận định mức được đưa vào quy định này không phù hợp, chính xác vì lặp lại lợi nhuận, trong khi trên thực tế tính toán thì không bị trùng lặp. Vì vậy, việc chỉnh sửa quy định nhằm đảm bảo sự thống nhất của quyết định.

Cũng theo Bộ Công Thương, dự thảo mới sẽ sửa đổi nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để làm minh bạch hơn cơ chế. 

Cụ thể, khi giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì thực hiện giảm giá điện. Với trường hợp tăng giá điện, sẽ giữ nguyên như đề xuất trước đó là tăng giá từ 3% trở lên. 

EVN sẽ được điều chỉnh tăng giá dưới 5%

Để điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, nhằm giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương cho rằng cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá. 

Việc này nhằm đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng cân bằng tài chính EVN, đưa giá điện thích ứng với sự biến động của thông số đầu vào theo thị trường.

Do đó, dự thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Quy định này nhằm giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

Với trường hợp giá bán điện bình quân nằm ngoài khung giá, sẽ chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định, nên dự thảo mới không còn quy định các trường hợp giá bán điện bình quân tính toán ngoài khung giá.

Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, EVN được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5%; Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%; Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương sẽ có vai trò chính trong điều hành giá điện, song Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng có vai trò trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng.

Dự thảo mới cũng làm rõ hơn trách nhiệm của EVN, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc phối hợp, tham gia ý kiến với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá. Bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô để minh bạch hơn quy trình điều chỉnh giá điện.

HÃY CÙNG LÀM VIỆCE-Tech Solutions