Nhiều chuyên gia đề xuất có thể không hồi tố, truy thu lại số tiền bán điện theo cơ chế giá khuyến khích (giá FIT) để tránh tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư nhưng cần thương lượng lại với những nhà đầu tư, không kéo dài giá ưu đãi trong 20 năm.
Trước đó, cùng với đề nghị giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ và điều tra xử lý theo quy định đối với việc bổ sung 154 dự án điện mặt trời không có cơ sở pháp lý, ban hành quyết định 13/2020 trái với chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị xử lý về mặt kinh tế với các dự án hưởng lợi không đúng quy định tại kết luận thanh tra thực hiện quy hoạch điện và quy hoạch điện 7 điều chỉnh vừa công bố.
Gần 1.500 tỉ đồng thanh toán không đúng đối tượng
Cụ thể, cơ quan thanh tra đã đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế đối với 14 dự án điện mặt tr ời đang được hưởng cơ chế giá FIT không đúng với nội dung nghị quyết số 115/2018 của Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc 14 dự án hưởng lợi “không đúng đối tượng” được cơ quan thanh tra xác định liên quan đến quá trình tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận về cơ chế phát triển điện mặt trời.
Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị quyết 115 về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ địa phương này.
Trong đó, đối tượng được áp dụng mức giá 9,35 UScent/kWh là các dự án điện mặt trời với công suất thiết kế là 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Tuy vậy, quyết định 13/2020 lại quy định giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được hưởng giá là 2.086 đồng/kWh.
“Từ việc tham mưu mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế khuyến khích nêu trên đã dẫn đến 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh
không đúng đối tượng tại nghị quyết số 115. Nên từ năm 2020, tổng số tiền mà EVN đã thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỉ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng” – kết luận thanh tra nêu.
Ngoài ra, với các dự án được công nhận ngày vận hành thương mại và hưởng giá FIT trong khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với EVN rà soát, xử lý theo quy định. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, phải chuyển cơ quan điều tra để xem xét xử lý.
Cũng theo kết luận thanh tra, việc Bộ Công Thương tham mưu ban hành thời hạn áp dụng giá FIT đối với
các dự án điện mặt trời nối lưới 20 năm là quá dài so với thời gian thu hồi vốn đầu tư (theo đơn vị tư vấn, thời gian thu hồi vốn đầu tư khoảng 8 năm), chưa phù hợp với lộ trình phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cũng không thuyết minh rõ lợi nhuận của dự án trong 20 năm để làm cơ sở so sánh với các dự án nguồn điện khác.
Trong khi đó, dù EVN có văn bản nêu kiến nghị không khuyến khích đầu tư điện mặt trời bằng mọi giá, mà việc đầu tư các dự án điện mặt trời phải đồng bộ với lưới truyền tải và phân phối, phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng cuối cùng, không khuyến khích đầu tư ở các vùng không có tiềm năng và không có phương án giải tỏa công suất. Tuy nhiên, khuyến cáo này đã không được Bộ Công Thương tiếp thu.
Không nên hồi tố nhưng phải thỏa thuận lại giá?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Đình Thống, chuyên gia năng lượng tái tạo, cho rằng việc nhà đầu tư bỏ vốn ra để làm dự án phải trên cơ sở được cấp phép của Bộ Công Thương hoặc cơ quan chức năng liên quan.
Do đó, trước hết vẫn cần tạo điều kiện cho dự án được vận hành, hoạt động và phát điện lên lưới, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội trong khi nhu cầu điện của đất nước vẫn đang rất lớn.
Đối với việc xử lý về mặt kinh tế, theo ông Thống, cần xác định lỗi là do cả cơ quan quản lý và nhà đầu tư, nên phải dựa trên cơ sở quy định pháp luật, có thể không thực hiện hồi tố, truy thu lại tiền của nhà đầu tư trong giai đoạn trước đây để tránh tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, thương lượng lại với những nhà đầu tư đã được hưởng giá ưu đãi, không kéo dài thực hiện trong 20 năm.
“Bởi về bản chất, đây là những dự án được hưởng giá không đúng đối tượng, không đúng quy định, nên các nhà đầu tư phải chấp thuận việc điều chỉnh lại lợi ích, chấp nhận mức giá thị trường như các nhà đầu tư khác, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi các bên”, ông Thống nói.
Luật sư Trương Thanh Đức – giám đốc Công ty luật ANVI – cũng cho rằng đang có tình trạng chính sách, quan điểm và câu chữ không rõ ràng, chứ không hoàn toàn do doanh nghiệp cố tình vi phạm hay làm sai.
Vì vậy, việc hồi tố trách nhiệm với doanh nghiệp đối với các vi phạm liên quan tới chính sách được xác định là không phù hợp, không những gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn tạo tiền lệ xấu cho nhà đầu tư kinh doanh.
“Nguyên tắc xử lý làm sao phải đảm bảo để nhà đầu tư không cảm thấy oan ức, thiệt hại vô lý. Điều này cũng nhằm giúp các nhà đầu tư cũ và nhà đầu tư mới luôn sẵn sàng đầu tư khi đây là lĩnh vực cũng rất khó khăn, có rủi ro.
Vì vậy, cần có chính sách xem xét những vụ việc này cho phù hợp chứ không đơn thuần cho rằng sai là phải xử lý, mà phải đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư, Nhà nước” – ông Đức nói.
Một số chuyên gia cũng ủng hộ việc không hồi tố nhưng cho rằng Nhà nước và nhà đầu tư cần cùng ngồi lại để tính lại chi phí phù hợp nhằm hài hòa lợi ích các bên. Ngoài ra, cần hoàn thiện các chính sách cơ chế thu hút đầu tư, quyền lợi cho nhà đầu tư, tránh rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực điện trong tương lai.
“Điều này nhằm khuyến khích đầu tư đảm bảo điện, thu hút đầu tư vào năng lượng sạch theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển năng lượng sạch và đảm bảo an ninh năng lượng”, một chuyên gia nói.
Các dự án được hưởng lợi “không đúng đối tượng”
Các dự án được hưởng lợi “không đúng đối tượng”gồm Hacom Solar, điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận 1, điện mặt trời Thuận Nam Đức Long, điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận, điện mặt trời Phước Ninh, điện mặt trời Sơn Mỹ 2, điện mặt trời Sơn Mỹ, điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải, điện mặt trời Bầu Zôn, điện mặt trời Thuận Nam 12, điện mặt trời SP Infra 1, điện mặt trời Adani Phước Minh, điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ, điện mặt trời 450MW kết hợp trạm 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220kV.
Vẫn chưa có phương án xử lý
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, kể từ khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra đầu tiên về việc thực hiện quy hoạch điện vào ngày 28-4, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị EVN rà soát đối với 14 dự án trên.
Cụ thể, EVN được đề nghị cung cấp số liệu, thông tin, đề xuất giải pháp xử lý với 14 dự án điện mặt trời đang hưởng cơ chế giá khuyến khích không đúng quy định; rà soát toàn bộ quá trình thực hiện các thỏa thuận chuyên ngành điện lực, ký hợp đồng mua bán điện, kiểm tra điều kiện và đóng điện điểm đấu nối, công nhận ngày vận hành thương mại, đưa dự án vào vận hành, thanh toán tiền điện mua theo giá FIT.
EVN cũng được yêu cầu phải báo cáo các tồn tại, đề xuất phương án giải quyết trên cơ sở căn cứ quy định của pháp luật; xử lý tồn tại, vi phạm của chủ đầu tư và của EVN. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể với các dự án này.