Dù Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khẳng định sẽ có nhiều giải pháp để đáp ứng đủ điện năm 2024, song nguy cơ thiếu điện vẫn cận kề khi các nguồn điện lớn chưa được bổ sung thêm, đường dây truyền tải 500kV kéo ra Bắc vẫn đang ngổn ngang.
Vừa đi kiểm tra nhiều vị trí thi công trên tuyến đường dây 500kV mạch từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), ông Nguyễn Anh Tuấn – tổng giám đốc EVN – cho hay để có thể hoàn thành việc đóng điện vào 30-6-2024 theo yêu cầu của Thủ tướng, các công trường thi công xuyên Tết, lãnh đạo EVN và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng liên tục đi kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, cung đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa và Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 – Thanh Hóa, dự án giúp giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500kV đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc bàn giao mặt bằng các vị trí móng và hành lang tuyến đúng hạn, năng lực một số nhà thầu thi công chưa đáp ứng…
Do đó, các đơn vị được yêu cầu tập trung nhân lực, máy móc thi công 3 ca 4 kíp, 24/7 để đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), dù nhu cầu phụ tải điện trong tháng 3 cơ bản được đáp ứng, nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện vào cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7, với mức thiếu hụt thấp nhất là từ 127 – 128 triệu kWh và cao nhất là 177 triệu kWh.
Nguyên nhân là do nguồn thủy điện giảm mạnh từ tháng 5 đến tháng 7 với 150 – 300MW, nguồn điện than cũng giảm khoảng 20% công suất (tương đương 3.100MW) từ tháng 4 đến tháng 7.
Trong trường hợp các nguồn điện Nghi Sơn 2 và Vũng Áng đấu nối vào trục truyền tải 500kV Nho Quan – Nhà máy điện Nghi Sơn 2 – Hà Tĩnh phát cao, công suất khả dụng tối đa mà đường dây liên kết Trung – Bắc có thể hỗ trợ cho miền Bắc là 2.200MW.
Trên cơ sở khả năng huy động của hệ thống điện, A0 đánh giá từ tháng 5 đến tháng 7, công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên đến 2.100MW, hoặc có thể lên tới 2.900MW nếu xảy ra tình huống cực đoan.
Công suất dự phòng hệ thống điện miền Bắc tháng 8 và tháng 10 rất thấp, dự kiến chỉ đạt lần lượt là 515/233MW.
Nếu xảy ra đồng thời sự cố các tổ máy điện than lớn hoặc các nhà máy không đủ than… công suất dự phòng trong tháng 10 chỉ có 117MW, hệ thống điện miền Bắc có thể phải thực hiện điều tiết phụ tải do thiếu điện. Trước nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc, nhiều giải pháp cũng đã được A0 đưa ra.
Đó là điều hành các hồ thủy điện để đảm bảo giữ mực nước hồ miền Bắc không suy giảm công suất đến hết tháng 6-2024, giúp việc cung ứng điện trong cao điểm mùa khô được hiệu quả.
Đảm bảo cấp than của các nhà máy, bám sát kế hoạch sửa chữa để đảm bảo khả dụng vận hành sau sửa chữa; có thêm nhu cầu dự phòng trước biến động của nguồn năng lượng tái tạo hiện đang chiếm khoảng 26% công suất.
Ngoài ra sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các đường dây truyền tải điện, nhằm giải tỏa nguồn thủy điện phía Bắc và nguồn nhập khẩu điện từ nước ngoài như: đường dây 220kV Nậm Sum – Nông Cống, T220 Đăk Ooc; cụm công trình truyền tải 220kV Huội Quảng – Nghĩa Lộ – Việt Trì; các trạm biến áp…
Mua điện từ các nước tiếp tục tăng
Theo phương án 2 được A0 đề xuất vận hành và đã được EVN thống nhất thông qua, cùng với nguồn điện trong nước sẽ tiếp tục mua điện từ Lào và Trung Quốc với mức cao hơn trong tháng 3-2024.
Trong đó, mua từ Lào là 257 triệu kWh (cao hơn 23 triệu kWh) và Trung Quốc mua 153 triệu kWh (cao hơn 78 triệu kWh).
EVN cũng đang đàm phán với các chủ đầu tư và phía bạn Lào nhằm mua thêm các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc nhập khẩu điện nhằm phục vụ giai đoạn dài hạn đến năm 2025.