Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về nghiên cứu chính sách bán điện dư lên lưới điện quốc gia đối với điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đã trình các phương án đề xuất.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà theo yêu cầu chỉ đạo tại công văn 4844 với dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long ký, nêu rõ với yêu cầu khuyến khích phát triển điện sạch, Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm sản xuất điện dư không dùng hết bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.
Theo đó, bộ đưa ra ba phương án cho trường hợp này. Đó là lượng điện dư không dùng hết được bán lên lưới quốc gia sẽ đưa vào giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị điều khiển công suất phát (Limit export).
Sản lượng điện được ghi nhận trên hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng, nhưng áp dụng với hai trường hợp được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới, và 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên nếu như phương án 1 có chi phí giá thành cao, hạn chế khuyến khích đầu tư thì phương án 3 sản lượng điện dư được thanh toán sẽ nhiều hơn phương án 2, nên bộ đề nghị chọn phương án 2.
Với giá mua điện dư, Bộ Công Thương cũng đưa ra ba phương án. Phương án 1 là áp dụng bằng bình quân giá điện năng theo chi phí tránh được hằng năm do Bộ Công Thương ban hành. Phương án 2 là lấy bằng giá biên thị trường điện (SMP) từng giờ (không bao gồm giá CAN – giá công suất thị trường) và trừ đi chi phí phân phối trên 1 kWh.
Tuy nhiên do cả hai phương án này đều phức tạp, bộ cho rằng để đơn giản trong thực hiện, đề xuất trước mắt tạm áp dụng giá mua điện dư phát lên lưới từ 600 đến 700 đồng/kWh.
Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hằng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Do đây là phương án tính đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm được chi phí đầu tư của EVN, bộ đề xuất thực hiện theo phương án 3, với giá đề xuất là 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).
Theo chỉ đạo của phó thủ tướng về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này, Bộ Công Thương cho hay lãnh đạo EVN thống nhất mua sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát vào hệ thống điện quốc gia.
Các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội đã được quy định tại các điều khoản cụ thể tại dự thảo nghị định.