LOADING...

 

Chống thiếu điện, quyết tâm cao nhưng bí lối ra – Kỳ 2: Nhà đầu tư sốt ruột chờ cơ chế

06/03/2024

Sau hai năm xây dựng với khoảng hơn chục tờ trình, Quy hoạch điện 8 mới được ban hành nhưng các nhà đầu tư vẫn đang mòn mỏi chờ các cơ chế, chính sách cụ thể làm hành lang pháp lý để triển khai các dự án.

Việc tìm vốn cho các nhà máy nhiệt điện than gặp khó khăn. Trong ảnh: công nhân đang thi công tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch có nhà máy nhiệt điện sử dụng nguyên liệu than - Ảnh: H.HOA

Việc tìm vốn cho các nhà máy nhiệt điện than gặp khó khăn. Trong ảnh: công nhân đang thi công tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch có nhà máy nhiệt điện sử dụng nguyên liệu than – Ảnh: H.HOA

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được xem là “kim chỉ nam” trong đầu tư các dự án điện cho giai đoạn tới nhằm đảm bảo cung ứng điện.

Thế nhưng, theo các chuyên gia và nhà đầu tư, việc chậm trễ ban hành kế hoạch hành động cũng như xây dựng cơ chế chính sách sẽ khiến cho Việt Nam đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư vào ngành điện.

Không còn bảo lãnh, loay hoay tìm vốn

Ông Ngô Quốc Hội, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP nhiệt điện An Khánh (Bắc Giang), chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang, cho hay do không còn cơ chế bảo lãnh Chính phủ cho các dự án điện vay vốn nên việc tiếp cận vốn vay từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, dù đã đàm phán được khoản vay thương mại với ngân hàng của Trung Quốc nhưng nhiệt điện An Khánh – Bắc Giang không thể triển khai do Trung Quốc thay đổi chính sách, không cho vay các dự án điện than.

Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải tìm nguồn vốn huy động trong nước, tính toán cả lộ trình chuyển đổi nhiên liệu từ nhiệt điện than sang điện sinh khối theo yêu cầu của Quy hoạch điện 8. Trong khi đó, các dự án nằm trong Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng không có định hướng rõ ràng trong việc thu xếp vốn. Ngoài nguồn vốn tự có, doanh nghiệp tự xoay xở tìm vốn ở các ngân hàng đồng tài trợ nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi.

“Trong điều kiện huy động các nguồn vốn khó khăn, rất mong Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn chuyển đổi từ điện than sang điện sinh khối theo yêu cầu của Quy hoạch điện 8 và kế hoạch triển khai chi tiết. Doanh nghiệp đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ theo hướng các dự án nằm trong Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng phê duyệt, các nhà đầu tư trong nước có dự án nói trên thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước”, ông Hội đề xuất.

Nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng mong ngóng chính sách sớm được ban hành.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Stuart Livesey – CEO Công ty CP phát triển dự án điện gió La Gan, giám đốc quốc gia của Copenhagen Offshore Partners (COP) tại Việt Nam – cho rằng do các chính sách sơ bộ như kế hoạch thực hiện vẫn chưa được ban hành nên các nhà đầu tư khó có thể có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo mới như điện gió ngoài khơi.

Chờ chính sách rõ ràng, minh bạch

Cũng theo ông Stuart Livesey, một trong những thách thức lớn trong đầu tư điện gió ngoài khơi nói riêng và dự án năng lượng tái tạo là việc đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện (PPA). Thêm nữa là sự sẵn sàng của lưới điện, điều khoản chấm dứt hợp đồng… cũng là những vấn đề cần được làm rõ.

“Đến nay vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cách thức triển khai một dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi xin khuyến nghị Chính phủ đưa ra định hướng và lộ trình phát triển ngành rõ ràng, đi kèm với khung chính sách đồng bộ và cơ chế khuyến khích phù hợp cho từng giai đoạn phát triển”, ông Stuart Livesey nói.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, một nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng, cho rằng nhu cầu đầu tư không chỉ là dự án điện mặt trời đơn thuần, mà gồm cả nhà máy pin lưu trữ nhằm phục vụ mục tiêu xuất khẩu điện nhưng khó khăn là chính sách cho các mô hình dự án này vẫn chưa có.

“Đây là thời điểm vàng để có thể đầu tư, khi một số đối tác tại Singapore đã đặt vấn đề mua các container lưu trữ điện sạch xuất khẩu từ Việt Nam và chi phí giá thành (chưa gồm lưu trữ) có thể chỉ ở mức 5-6 cent/kWh”, ông Quang nói.

Việc chờ đợi chính sách trong một thời gian dài khiến một số nhà đầu tư nản lòng, thậm chí Tập đoàn Ørsted của Đan Mạch đã quyết định rút khỏi thị trường Việt Nam. Ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng sự chậm trễ trong chính sách cũng như việc triển khai các dự án mất nhiều thời gian sẽ càng làm nản lòng nhà đầu tư.

“Chính phủ cần có những quyết sách thật đặc biệt, không để dây dưa những dự án cũ và quyết định ngay cơ chế để chọn nhà đầu tư cho dự án mới như việc áp dụng đấu thầu. Gắn với đó cần có chế tài xử lý kỷ luật, thưởng phạt cho các dự án một cách nghiêm minh đảm bảo tiến độ”, ông Ngãi nêu vấn đề.

HÃY CÙNG LÀM VIỆCE-Tech Solutions